Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

DI TÍCH LỊCH SỬ QUẬN 1

Bảo Tàng TP.Hồ Chí Minh

Gần cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân Pháp tiến hành xây dựng nhiều công trình tại trung tâm thành phố Sài Gòn. Trên khuôn viên rộng lớn bao quanh bởi bốn con đường La Grandière (Lý Tự Trọng), Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Palanca (Lê Thánh Tôn) và Pellerin (Pasteur), chính quyền cho xây dựng một bảo tàng thương mại để trưng bày các sản phẩm địa phương. Công trình Bảo Tàng thành phố do kiến trúc sư Foulhoux thiết kế, khởi công xây dựng vào năm 1885. Sau khi khánh thành vào năm 1890, Thống đốc Nam Kỳ là Henri Eloi Danel sử dụng làm dinh thự, vì vậy tòa nhà này được gọi là dinh Thống đốc Nam Kỳ hay Soái phủ Nam Kỳ.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9 tháng 3 năm 1945, nơi đây trở thành dinh thự của Thống đốc Nhật Yoshi Minoda.
Tháng 7 năm 1945 Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, dinh được giao cho chính phủ Bảo Đại – Trần Trọng Kim làm dinh Khâm sai.
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ủy ban Khởi nghĩa do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo quyết định chiếm dinh Khâm sai Nam Kỳ, treo cờ làm tín hiệu khởi nghĩa cho toàn thành phố. Cách mạng tháng Tám thành công, Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ đặt trụ sở tại đây.
Khi Pháp tái chiếm Nam Kỳ vào cuối tháng 9 năm1945, tòa nhà là trụ sở của phái bộ Đồng Minh. Ngày 30 tháng 11 năm 1945 nghi lễ quân đội Đồng Minh tiếp nhận gươm báu đầu hàng của phát xít Nhật được tổ chức tại đây. Một thời gian sau nơi đây là trụ sở của Cao ủy Cộng hòa Pháp.
Từ ngày 23 tháng 5 năm 1947 Pháp giao dinh cho Lê Văn Hoạch làm trụ sở chính phủ Nam Kỳ tự trị.
Từ ngày 2 tháng 6 năm 1948 đổi thành dinh Thủ hiến Nam Phần, sau đó là dinh Thủ tướng của chính quyền Bảo Đại.
Khi lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm đã dùng tòa nhà làm dinh Quốc khách, thường được gọi là dinh Gia Long theo tên con đường phía trước tòa nhà.
Ngày 27 tháng 2 năm 1962 dinh Độc Lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm dời phủ Tổng thống sang đây. Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng một hầm trú ẩn trong dinh. Hầm do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, được xây dựng từ tháng 5 năm 1962 đến tháng 10 năm 1963 mới hoàn thành.
Năm 1966, phủ Tổng thống dời về lại dinh Độc Lập, nơi đây được sử dụng làm trụ sở của Tối cao pháp viện chính quyền miền Nam Việt Nam.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định sử dụng tòa nhà làm nơi sinh hoạt văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và triển lãm các chuyên đề thời sự phục vụ đồng bào.
Ngày 12 tháng 8 năm 1978, nơi đây trở thành Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 13 tháng 12 năm 1999, Bảo tàng Cách mạng được đổi tên thành Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày nay Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một địa chỉ lịch sử văn hóa quen thuộc của khách tham quan trong và ngoài nước với khoảng 300000 lượt khách tham quan hàng năm. Với chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày và giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, hiện Bảo tàng có diện tích trưng bày trên 2000m2, gồm các nội dung: Thiên nhiên – Khảo cổ; Địa lý – Hành chính; Thương cảng – Thương mại và Dịch vụ; Đấu tranh cách mạng 1930 – 1954; Đấu tranh cách mạng 1954 – 1975; các chuyên đề như: “Kỷ vật kháng chiến”, “Đám cưới Nam Bộ”, “Nghệ thuật sân khấu cải lương”, “Tiền Việt Nam”, “Vài nét về dinh Gia Long và đường hầm trong dinh”. Bảo tàng còn có phần trưng bày ngoài trời các đề tài về phương tiện vận chuyển, sinh hoạt, chiến đấu… của người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo QĐ số 1206/QĐ BVHTTDL ngày 29/3/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Địa Chỉ: 65 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Q.1, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện Thoại: 0838299741
Giờ Hoạt Động: 6:00 - 21:00

Đền Thờ Vua Hùng



Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đã có một số đền thờ Vua Hùng, trong đó phải kể đến đền thờ Hùng Vương – số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, do Bảo tàng Lịch sử - thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
Ngôi đền này được xây dựng khoảng năm 1930 – 1932, mang tên “Temple de Souvenir” (Đền kỷ niệm) thờ các binh sĩ Pháp chết ở Việt Nam. Từ năm 1956, Đền kỷ niệm này được sử dụng đa tín ngưỡng, thờ Khổng tử và thờ Vua Hùng, do Hội Khổng học quản lý.
Từ sau năm 1975, Bảo tàng Lịch sử - thành phố Hồ Chí Minh quản lý, đã chính thức đổi tên là Đền thờ Hùng Vương và đã đưa các tư liệu, hiện vật khảo cổ học thuộc thời đại Hùng Vương trưng bày tại đây nhằm giới thiệu lịch sử về thời đại Hùng Vương. Những năm sau này, đền thờ đã được thành phố Hồ Chí Minh sử dụng làm lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương tại đây đã góp phần quan trọng gợi nhớ cho thế hệ con cháu hôm nay về thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc ta mà đứng đầu là các Vua Hùng. Đồng thời đã gây được sự thôi thúc về niềm tự hào, về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà thế hệ hôm nay sẽ phát huy.
Đền thờ Hùng Vương tại Công viên lịch sử văn hóa dân tộc của thành phố tại quận 9 được khánh thành, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương tại đây bắt đầu từ ngày 10 tháng 3 năm 2009. Tuy thành phố Hồ Chí Minh không sử dụng đền thờ này là nơi tổ chức lễ giỗ Hùng Vương chính thức của thành phố, nhưng Đền thờ Hùng Vương tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phường Bến Nghé, quận 1 vẫn là nơi thờ Hùng Vương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Bảo tàng Lịch sử - thành phố Hồ Chí Minh quản lý, vẫn được nhân dân cúng lễ tưởng nhớ công lao các Vua Hùng.
Địa Chỉ: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện Thoại: 0838290421
Giờ Hoạt Động: 8:00 - 21:00
 Bảo tàng Mỹ thuật


Qua hơn hai mươi năm hoạt động, đến nay bảo tàng đã có hơn 20000 hiện vật, nhiều hiện vật quí hiếm, nhiều bộ sưu tập có giá trị phản ánh lịch sử mỹ thuật khu vực nói chung và của Việt Nam nói riêng theo tiến trình lịch sử. Hơn ba mươi bộ sưu tập hiện có ở Bảo tàng là những bộ sưu tập độc bản tranh, tượng, sản phẩm mỹ thuật cổ… có giá trị lịch sử, tôn giáo, đặc biệt là giá trị thẩm mỹ.
Hiện nay hệ thống trưng bày của bảo tàng chia làm hai phần: mỹ thuật cổ và mỹ thuật hiện đại.
Mỹ thuật cổ trưng bày những hiện vật đặc sắc theo tiến trình lịch sử mỹ thuật: mỹ thuật Óc Eo và hậu Óc Eo; mỹ thuật Chămpa; mỹ thuật thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20; các sưu tập gốm Lý – Trần – Lê; gốm Bát Tràng; gốm men lam Huế; gốm Sài Gòn xưa; đồ thờ cúng bằng chất liệu đồng; đồ gỗ chạm, gỗ cẩn xà cừ…
Mỹ thuật hiện đại gồm các phần trưng bày:
Mỹ thuật đầu thế kỷ 20: trưng bày tác phẩm của các danh họa Việt Nam từng theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương, trường Mỹ thuật Gia Định như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu…
Mỹ thuật giai đoạn 1954 – 1975: giới thiệu về ký họa kháng chiến ra đời ở vùng giải phóng và các tác phẩm được sáng tác ở vùng tạm chiếm với trung tâm là Sài Gòn. Đây là một trong những phần trưng bày đặc sắc của bảo tàng với những tác phẩm phản ánh chân thật và sinh động đời sống xã hội lúc bấy giờ của các họa sĩ kháng chiến như Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Cổ Tấn Long Châu, Quách Phong, Nguyễn Thanh Châu… Có thể nói đây là bộ ký họa giá trị nhất, có số lượng đầy đủ nhất Việt Nam hiện nay.
Mỹ thuật thời kỳ từ 1975 đến nay: trưng bày các tác phẩm của nhiều tác giả nổi tiếng, các tác giả trẻ, kể cả sinh viên mới tốt nghiệp, nhấn mạnh những nét mới trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện nay, giới thiệu những xu hướng sáng tá

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 2212/QĐ-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh.
Địa Chỉ: 97A, đường Phó Đức Chính, Quận 1
Điện Thoại: 0838294441
Giờ Hoạt Động: 9:00 - 17:00

Dinh độc lập

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và toàn bộ Nam Kỳ, năm 1862 triều đình Nhà Nguyễn đã ký Hòa ước với Pháp, thực dân Pháp đã thiết lập quyền cai trị toàn xứ Nam Kỳ. Ngày 23 tháng 2 năm 1863, La Grandière đã đặt viên đá đầu tiên để xây dựng dinh Thống Đốc Nam Kỳ tại khu đất thuộc dinh Độc Lập ngày nay.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thực dân Pháp gây hấn trở lại, đến đầu năm 1946 nơi đây biến thành phủ Cao ủy Đông Dương. Với thất bại và sự đầu hàng của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, Chính phủ Pháp đã phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương và rút đội quân viễn chinh về nước. Năm 1955 tòa nhà từng được gọi là dinh Thống Đốc Nam Kỳ hay còn gọi dinh Norodom, dinh Toàn quyền Đông Dương, phủ Cao ủy Đông Dương đã được chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản, từ đó chính thức có tên gọi dinh Độc Lập.
Biến cố lịch sử đã xảy ra, chính quyền Ngô Đình Diệm bị đảo chính, dinh Độc Lập bị quân đảo chính đánh sập một phần, sau đó dinh đã bị đập bỏ để xây dựng lại. Công cuộc xây dựng lại dinh Độc Lập được tiến hành do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, đến năm 1966 công trình cơ bản hoàn thành và trở thành cơ quan đầu não của chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, đồng thời cũng là nơi ở sang trọng và được cho là tuyệt đối an toàn của gia đình Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên, sự tồn tại hoàn toàn lệ thuộc vào đế quốc Mỹ, dinh Độc Lập còn được gọi là phủ Tổng thống.
Dinh Độc Lập từng là cơ quan đầu não của chính quyền được gọi với cái tên Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu với hệ thống hầm ngầm kiên cố, được trang bị hệ thống điện đài và hệ thống để chỉ huy rất hiện đại
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lực lượng giải phóng tiếp quản dinh Độc Lập và tiếp nhận sự đầu hàng không điều kiện của nội các Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Dinh Độc Lập có thể coi là sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Tháng 11 năm 1975 tại dinh Độc Lập đã diễn ra Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước, đây là sự kiện lịch sử vô cùng ý nghĩa: Nếu việc hiệp thương thống nhất đất nước đã được qui định ở Hiệp định Genève 1954 được thi hành nghiêm chỉnh thì hòa bình ở Việt Nam đã được thiết lập, đất nước ta đã được thống nhất.
Dinh Độc Lập có những giá trị đặc biệt, do đó đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 77A/VH-QĐ ngày 25 tháng 6 năm 1976.
Ngày 12 tháng 2 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1272/QĐ- TTg xếp hạng dinh Độc Lập là di tích quốc gia đặc biệt.

Địa Chỉ: 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện Thoại: 08085037
Giờ Hoạt Động: Sáng từ 7h30’ đến 11h00’. Chiều từ 13h00’ đến 16h00’

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét